Nội thương Thương_mại_Việt_Nam_thời_Mạc

Khác với nhà Hậu Lê, nhà Mạc áp dụng chính sách cởi mở, thông thoáng đối với hoạt động thủ công nghiệpthương mại. Điều đó tạo tiền đề cơ bản cho kinh tế hàng hóa phát triển.[1]

Trung tâm buôn bán lớn nhất cả nước là Thăng Longphố Hiến (Hưng Yên). Ngoài ra, tại Bắc Bộ đã hình thành mạng lưới chợ khá dày, mặc dù chính địa bàn này cũng trải qua binh lửa do quân Nam triều nhiều lần đánh ra:

  • Chợ Cầu Nguyễn (Thái Bình) mở lại năm 1530
  • Chợ Tứ Kỳ (Hải Dương) mở năm 1542
  • Chợ Nghĩa Trụ (Hưng Yên) mở năm 1570
  • Chợ Cẩm Khê (Hải Phòng) mở năm 1572
  • Chợ La Phù (Hà Nội) mở năm 1575
  • Chợ Hậu Bổng (Hải Dương) mở năm 1579
  • Chợ Đặng Xá (Hà Nội) mở năm 1580
  • Chợ Phúc Lâm (Hà Nội) mở năm 1589
  • Chợ Đào Xá (Hà Nội) mở năm 1590
  • Chợ Cẩm Viên (Vĩnh Phúc) mở năm 1590
  • Ngoài ra còn có chợ Bộc Đông, chợ Phù Ninh, chợ Đặng Xá…

Trong các chợ kể trên, có các chợ được mở do chính sách khuyến thương của triều đình. Ngay cả vùng Thuận Hóa trong thời nhà Mạc quản lý, hoạt động buôn bán cũng diễn ra khá sôi nổi. Dương Văn An trong sách Ô châu cận lục ghi lại:[2]

Chợ Thế Lại (Thừa Thiên - Huế) bắt đầu họp từ gà gáy, đến giữa trưa vẫn đông. Lều hàng la liệt, quán xá dọc ngang… gồm đủ hàng nam bắc…

Các mặt hàng buôn bán tại các chợ chủ yếu là vải vóc, tơ lụa, gấm, bạc, thuốc bắc, gốm sứ… Sự phát triển của thủ công nghiệp càng thúc đẩy thương mại phát triển. Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng và Chu Đậu có mặt từ đông bằng Bắc Bộ vào đến Thanh Hóa.

Hoạt động thương mại được hỗ trợ bằng mạng lưới giao thông thủy bộ. Nhiều tài liệu văn bia cổ ghi lại việc chú trọng sửa sang đường sá và làm cầu, tu sửa cầu của nhà Mạc. Trên đường số 18 (Quảng Ninh) còn dấu vết những đoạn đường thời kỳ này từ Thảo Tân qua rừng Bãi Thảo chạy ven sông Lục Nam mà nhân dân địa phương vẫn gọi là "đường nhà Mạc, đầu voi, quán Sé". Tại Đông Triều (Quảng Ninh) và Thủy Nguyên (Hải Phòng) còn dấu tích những bến đóng thuyền của nhà Mạc[3].